Một người tại TP HCM bị mất khoản tiền tiết kiệm 2,1 tỉ đồng tại một ngân hàng. Nguyên nhân, nạn nhân bị một kẻ gọi điện tự xưng là nhân viên nhà mạng đề nghị hỗ trợ nâng cấp SIM và đã làm theo lời kẻ đó hướng dẫn để rồi bị lộ các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng. Thủ đoạn của bọn tội phạm là thông báo SIM xài đã lâu nên không còn tốt, hay xảy ra lỗi, bị chập chờn hoặc không an toàn. Phổ biến nhất là dụ dỗ nạn nhân nâng cấp SIM lên 4G hay 5G miễn phí với những ưu đãi nào đó. Thực tế là rất nhiều thuê bao điện thoại không biết rằng nếu muốn nâng cấp SIM, thay đổi SIM, đích thân thuê bao phải trực tiếp mang theo giấy tờ tùy thân đến một cơ sở dịch vụ của nhà mạng để làm thủ tục, trong đó có sao chụp giấy tùy thân và chụp ảnh nhân thân.
Hồi tháng 6-2022, Công an quận Hà Đông (TP Hà Nội) đã khởi tố một loạt đối tượng liên quan đến đường dây lừa đảo chiếm đoạt SIM điện thoại để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của các nạn nhân với tổng số tiền lên đến 10 tỉ đồng.
Thủ đoạn “cao tay ấn” hơn nữa là chiếm ngay SIM vật lý. Chuyện này dễ xảy ra nếu như nạn nhân bị mất điện thoại vào tay bọn xấu mà không nhanh chóng thông báo khóa tài khoản cho ngân hàng. Nhưng thủ đoạn như vừa xảy ra với trường hợp mất 5,3 tỉ đồng thì đáng báo động. Theo đơn tố giác gửi Công an TP HCM, một phụ nữ quê Đồng Nai đã bị kẻ xấu dùng CMND giả để tới cửa hàng của nhà mạng làm thủ tục đổi SIM điện thoại khác theo số điện thoại mà nạn nhân là thuê bao. Sau khi có SIM trong tay, kẻ tội phạm đã tiến hành giao dịch với các ngân hàng theo phương thức online để rồi chuyển tiền trong các tài khoản đi.
Trong trường hợp cụ thể này, đây là một lỗ hổng của nhà mạng, một thủ đoạn trắng trợn của bọn tội phạm. Nhà mạng không có kỹ năng để phát hiện giấy tùy thân giả. Nhưng khi cấp phát lại SIM mới, lại không tham khảo và so sánh với dữ liệu CMND và ảnh chụp cũ phải lưu trong cơ sở dữ liệu. Ngoài ra, trước đây, khi thay SIM mới, nhà mạng còn thêm bước kiểm tra yêu cầu thuê bao phải cung cấp ít nhất 3 số điện thoại liên lạc gần nhất để kiểm tra trong lịch sử cuộc gọi.
Nhiều chuyên gia cảnh báo người dùng không nên công bố số điện thoại chính của mình, đặc biệt là trên các mạng xã hội. Nhưng theo kinh nghiệm của nhiều người, bọn xấu tập trung vào việc tìm số điện thoại của một “con mồi” tiềm năng mà chúng biết họ có nhiều tiền, có thông tin quan trọng để từ số điện thoại đó mà biết thêm thông tin cá nhân và sử dụng như một chìa khóa, một lỗ hổng để xâm nhập thiết bị, thậm chí hệ thống mạng của nạn nhân. Vì thế, hạn chế tới mức thấp nhất việc công bố các số điện thoại chính của cá nhân – số điện thoại gắn với nhiều giao dịch điện tử.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)