Phát hiện chấn động về hệ sinh thái biển cổ đại
Nhóm nghiên cứu Nhật Bản – Đức đã áp dụng một phương pháp phân tích hóa thạch tiên tiến để khám phá những bí mật ẩn chứa trong các phiến đá kỷ Phấn Trắng tại Nhật Bản. Kỹ thuật này cho phép các nhà khoa học tạo ra mô phỏng ảo của hóa thạch mà không cần phá vỡ chúng, giúp bảo tồn những mẫu vật mong manh.

Những tảng đá cổ ở Nhật Bản chứa đựng bí mật của nhiều loài sinh vật cổ đại
Cuộc nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học Shin Ikegami từ Đại học Hokkaido đã mang lại kết quả đáng kinh ngạc: họ đã xác định được 263 loài sinh vật với niên đại lên tới 100 triệu năm tuổi. Đáng chú ý, có tới 40 loài mới thuộc lớp động vật chân đầu, bao gồm các loài mực ống cổ đại có kích thước lớn như cá.
Phát hiện này đã làm sáng tỏ sự đa dạng của dòng họ mực trong thời kỳ hoàng kim của loài khủng long. Trước đây, hóa thạch của động vật thân mềm như mực rất hiếm khi được tìm thấy và thường bị hư hại trong quá trình khai thác. Phương pháp mới này không chỉ giúp khám phá nhiều loài mới mà còn mở ra hướng nghiên cứu mới về những động vật cổ đại tinh vi và mong manh.
Trước nghiên cứu này, chỉ có một mỏ hóa thạch mực duy nhất được biết đến, nhưng việc trích xuất và nghiên cứu hóa thạch tại đây gặp nhiều khó khăn. Dựa trên những kết quả mới, các nhà nghiên cứu suy luận rằng sinh khối mực trong kỷ Phấn Trắng có thể đã vượt xa sinh khối của cá và Ammonoid (Cúc Đá).
Phát hiện này thách thức giả định trước đây rằng mực chỉ bắt đầu phát triển mạnh sau khi khủng long biến mất. Thay vào đó, dòng họ mực dường như đã bùng nổ vào khoảng 100 triệu năm trước, trở thành những loài tiên phong bơi nhanh và thông minh thống trị đại dương.
Nhà cổ sinh vật học Yasuhiro Iba từ Đại học Hokkaido nhận định: “Những phát hiện này thay đổi hoàn toàn hiểu biết của chúng ta về hệ sinh thái biển trong quá khứ.”