Trang chủ Đời sốngDu lịch - Khám phá Nghệ An công nhận Lễ đón tiếng sấm đầu năm của dân tộc Ơ Đu là di sản văn hóa

Nghệ An công nhận Lễ đón tiếng sấm đầu năm của dân tộc Ơ Đu là di sản văn hóa

bởi Linh

Lễ đón tiếng sấm đầu năm của dân tộc Ơ Đu ở xã Nga My, Nghệ An, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một trong những lễ hội quan trọng của dân tộc Ơ Đu, tồn tại gần 100 năm qua.

Lễ hội này không chỉ giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Ơ Đu mà còn cầu mong mùa màng bội thu, bản làng bình yên và mọi người nhiều sức khỏe.

Lễ đón tiếng sấm đầu năm được tổ chức vào ngày đầu tiên sau khi có tiếng sấm đầu năm. Dân bản sẽ tập trung tại trung tâm của bản, mang các vật dụng sinh hoạt hằng ngày và những quả trứng gà ra suối Nậm Ngân để chùi, rửa, kỳ cọ sạch sẽ và rửa mặt, chân tay, gội đầu để rửa trôi, rũ bỏ những đen đủi, phiền muộn của năm cũ.

Lễ cúng thần sấm và tổ tiên

Sau nghi thức rửa sạch những đen đủi của năm cũ ở suối thiêng Nậm Ngân, dân bản sẽ về địa điểm tiến hành các lễ thức cúng cầu may trong ngày đầu tiên bước sang năm mới. Thầy mo với vai trò chủ lễ sẽ đọc những lời khấn cầu thông báo và xin phép thổ địa, thần suối, thần rừng cho phép người dân tổ chức lễ và vui chơi trên địa bàn.

Lễ đón tiếng sấm đầu năm của dân tộc Ơ Đu

Các nghi lễ trong Lễ đón tiếng sấm đầu năm của dân tộc Ơ Đu

Các lễ vật dân bản dâng cúng đều là món ăn truyền thống từ xa xưa được trao truyền từ nhiều đời của đồng bào dân tộc Ơ Đu, được bày biện trên hai chiếc mâm đan bằng mây, tre và lót lá chuối rừng để thể hiện lòng thành của dân bản với tổ tiên, thần Sấm.

Trong quá trình diễn ra lễ cúng thần sấm và tổ tiên, thầy mo thực hiện các bài khấn nguyện để cầu mong thần sấm, tổ tiên về thụ hưởng lễ vật và ban phát cho bản làng được yên bình, ấm no, mưa thuận gió hòa, thiên nhiên tươi tốt, mọi người trong bản đoàn kết, nhiều sức khỏe, thuận lợi trong mọi việc.

Phát huy giá trị văn hóa

Với việc công nhận này, Nghệ An hiện có 14 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những di sản này đều có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, nhân văn và nghệ thuật, góp phần làm giàu kho tàng văn hóa truyền thống của xứ Nghệ, đồng thời khẳng định bản sắc văn hóa vùng miền trong bức tranh đa dạng của văn hóa Việt Nam.

Hiện nay, dân tộc Ơ Đu là một trong 5 dân tộc ít người nhất trên cả nước, tập trung sinh sống ở bản Văng Môn, xã Nga My (Nghệ An) với hơn 100 hộ, gần 350 nhân khẩu.

Những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, các cấp chính quyền nên đời sống văn hóa, tinh thần, thiết chế văn hóa của bà con dân tộc Ơ Đu ngày càng nâng lên rõ rệt.

Có thể bạn quan tâm