Đó là ngày bắt đầu có hiệu lực thi hành của Nghị định số 59/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử ban hành ngày 5-9-2022.
Từ nay, loại hình căn cước công dân (CCCD) điện tử được sử dụng song hành với phiên bản cứng là thẻ CCCD gắn chip. Trong đó, CCCD điện tử sẽ có ưu thế trong việc thực hiện các giao dịch và dịch vụ, thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và internet.
Giữa tháng 10, thông qua tài khoản Zalo của khu phố, người dân tại quận 5 (TP HCM) được Công an quận hướng dẫn chi tiết và trực quan về cách sử dụng thông tin công dân thay cho sổ hộ khẩu giấy (sẽ hết giá trị sử dụng từ ngày 1-1-2023). Có 7 cách để công dân tùy nghi sử dụng cho phù hợp với thực tế của mình, như: sử dụng thẻ CCCD gắn chip; sử dụng thiết bị đọc mã QR in trên CCCD gắn chip; tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; sử dụng ứng dụng VNeID… Theo Nghị định 59/2022, từ ngày 20-10-2022, mỗi cá nhân hay tổ chức đều có danh tính điện tử. Mỗi danh tính điện tử được đăng ký một tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT).
Theo Bộ Công an, CCCD điện tử có tính bảo mật cao, tích hợp nhiều thông tin của công dân, nên có thể xuất trình thông qua ứng dụng VNeID thay thế nhiều loại giấy tờ để thực hiện các thủ tục. Cụ thể, CCCD điện tử tích hợp giấy phép lái xe, BHYT, BHXH, giấy tờ thuế, trình độ học vấn, quá trình công tác, giấy tờ hộ khẩu, người phụ thuộc, hộ chiếu… Người nước ngoài đang ở Việt Nam cũng có thể đăng ký và dùng ĐDĐT của Việt Nam qua ứng dụng VNeID để xuất trình thay thế hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại quốc tế.
Tất nhiên, để CCCD điện tử đi vào sử dụng và đem lại nhiều lợi ích, các địa phương phải tăng tốc sớm hoàn thành việc cấp CCCD gắn chip và ĐDĐT cho công dân trên địa bàn. Với CCCD điện tử đã bao gồm các thông tin nhân thân, hộ khẩu và nhiều loại giấy tờ khác, từ nay người dân sẽ thuận tiện và dễ dàng hơn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính công và tiến hành các giao dịch nhân sự. Cái lợi trước mắt là các cơ quan tiếp nhận không tốn thời gian xác minh và người dân chỉ cần mang theo thiết bị di động có chứa ứng dụng CCCD điện tử.
Tuy nhiên có nhiều ý kiến băn khoăn về cách thức cài đặt ứng dụng VNeID và cách đăng ký ĐDĐT. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng phải có những biện pháp để hỗ trợ người dân thực hiện các thao tác này. Trước hết, các cơ quan công an, đơn vị nhà nước cần đi đầu trong việc ứng dụng định danh và xác thực điện tử của công dân. Chắc chắn không tránh khỏi những sự cố, bất cập ban đầu nhưng cần phát hiện kịp thời khắc phục để không làm ảnh hưởng tới cả bộ máy đang tăng tốc vào thời số hóa.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)