Một khám phá thú vị trong vũ trụ đã hé lộ về một hiện tượng hiếm gặp, khi một ngôi sao bị xé toạc và kéo dài thành một sợi mì khổng lồ. Hiện tượng này đã giúp các nhà khoa học phát hiện ra một vật thể tàng hình bí ẩn.
Các nhà thiên văn học vừa ghi nhận được một hiện tượng đặc biệt với “mật danh” AT2024tvd, trong đó một ngôi sao bị xé toạc và kéo dài thành một sợi mì khổng lồ. Sự kiện này được xác định là một sự kiện gián đoạn thủy triều (TDE), hay còn gọi là sự kiện lỗ đen xé sao.

Sự kiện lỗ đen xé sao AT2024tvd được tạo ra bởi một vật thể tàng hình
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal Letters, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Yuhan Yao từ Đại học California ở Berkeley (Mỹ) đã xác định AT2024tvd là một TDE. Ngôi sao này đã bị xé toạc bởi một lỗ đen tàng hình có khối lượng khoảng 1 triệu Mặt Trời.
Lỗ đen này được cho là đã bị đẩy ra khỏi thiên hà của chính nó sau một vụ va chạm giữa ba thiên hà. Điều này có thể xảy ra khi ba lỗ đen của các thiên hà này đụng độ nhưng không thể sáp nhập hoàn toàn, khiến một trong số chúng bị đẩy ra ngoài.
Bên cạnh đó, ở khoảng cách 2.600 năm ánh sáng từ vật thể tàng hình này, có một lỗ đen siêu khối khác với khối lượng lên tới 100 triệu Mặt Trời, là tâm của một thiên hà lớn.
Phát hiện này mở ra những giả thuyết mới về sự va chạm giữa các thiên hà và lỗ đen. Nó cũng giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về những hiện tượng vũ trụ hiếm gặp và bí ẩn.