Vũ trụ của chúng ta có thể đã được sinh ra từ một lỗ đen nằm trong một “vũ trụ mẹ” lớn hơn, theo một nghiên cứu mới.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi GS Enrique Gaztañaga từ Đại học Portsmouth (Anh) đã đưa ra một lý thuyết táo bạo về sự hình thành vũ trụ, thách thức thuyết Big Bang truyền thống.

Nghiên cứu mới đề xuất một lý thuyết khác về sự khởi đầu của vũ trụ
Theo lý thuyết này, vũ trụ của chúng ta không bắt đầu từ một điểm kỳ dị không-thời gian như thuyết Big Bang mô tả, mà thay vào đó được hình thành từ sự sụp đổ của một đám mây vật chất khổng lồ trong một vũ trụ khác.
GS Gaztañaga cho biết: “Toàn bộ vũ trụ quan sát được của chúng ta nằm bên trong bán kính hấp dẫn của chính nó, nghĩa là từ bên ngoài, nó sẽ trông giống như một lỗ đen.”
Khi một ngôi sao khổng lồ sụp đổ thành một lỗ đen, nó tạo ra một điểm kỳ dị ở trung tâm. Tuy nhiên, theo lý thuyết mới, sự sụp đổ này không nhất thiết dẫn đến một điểm kỳ dị, mà có thể “nảy lên” và bắt đầu mở rộng trở lại, tạo ra một vũ trụ mới.
Lý thuyết này dựa trên một số nghiên cứu trước đó, nhưng đưa vào các định luật vật lý đã biết để giải thích sự hình thành vũ trụ.
Dù vẫn còn nhiều khoảng trống cần được lấp đầy, nghiên cứu này đã gợi ý một hướng đi thú vị cho các nghiên cứu vũ trụ học tiếp theo.
Các kết quả nghiên cứu của GS Gaztañaga và các cộng sự vừa được công bố trên tạp chí khoa học Physical Review D.